RADIAL HÓA LỐP TẢI ĐƯỜNG DÀI: VẬN TẢI VIỆT THIẾU TÍNH ĐỒNG BỘ

Tổng quan bức tranh lốp radial thế giới: Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng chưa theo kịp

 

Dù năm 2020 ảm đạm với các báo cáo kinh tế không khả quan thì Ngành công nghiệp săm lốp xe vẫn được dự đoán tăng trưởng ổn định 5% và đạt mức định giá 195 tỷ đô vào năm 2027 (số liệu từ Transparency Market Research).

 

Ba điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng này là: xu hướng sử dụng lốp radial vẫn tăng nhanh, thị trường châu Á phát triển và phân khúc xe tải, xe khách đường dài Việt Nam tăng ổn định và chuyển mình tốt cùng xu hướng chung. 

 

Theo báo cáo Rubber Tire Market từ TMS, thị trường lốp cao su toàn cầu đạt doanh số hơn 1,6 tỷ chiếc trong năm 2019. Trong đó, tỷ lệ lốp radial sử dụng trên toàn thế giới vẫn tăng nhanh. Còn theo The Market Records ghi nhận số liệu năm 2019 cho thấy, tỷ lệ sử dụng lốp radial tại Tây Âu là 100%, Bắc Mỹ 96%, châu Phi và Trung Đông chiếm 72%, riêng với châu Á bao gồm các nước ở thị trường cận biên và đang phát triển, tỉ lệ này ở mức 52%, còn Việt Nam thì giữ trung bình 50%.

 

Có thể thấy rằng, khủng hoảng Covid-19 kéo theo nhiều hệ luỵ, nhưng tiềm năng từ mảng lốp radial, nhất là lốp radial dành cho xe lớn hơn, gồm xe tải và xe khách đường dài vẫn đang tăng trưởng tốt ở mức 17.5%, đem về 12.1 tỷ USD tổng lợi nhuận lốp toàn cầu (chiếm 49.6%).

 

 Sự tăng trưởng nhanh của dòng lốp radial, tiềm năng từ châu Á hay thị trường lốp xe tải, xe khách đường dài nhiều hứa hẹn là những điểm nổi bật của báo cáo Săm lốp toàn cầu năm 2020. (Số liệu từ transparencymarketresearch.com)

 

Ngoài ra, các số liệu mới nhất từ báo cáo ngành săm lốp đều cho thấy châu Á, trong đó có Việt Nam, là một thị trường rộng mở, mới mẻ nhưng cũng đầy thách thức. Tuy có mức tăng trưởng ngành săm lốp cao nhất trong các châu lục, nhưng tỷ lệ sử dụng lốp radial cho xe tải đường dài vẫn chưa cao, chủ yếu là dòng lốp radial dành cho xe 4 chỗ.

 

Với dòng xe con 4 chỗ, có thể thấy thị trường không thiếu những cái lên lớn và nổi bật đến từ các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt, Trung Quốc. Nhưng với lốp tải đường dài, một số doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lốp vẫn còn loay hoay giữa mong muốn tiết kiệm chi phí và mong mỏi chất lượng tốt từ những lựa chọn lốp nội địa, lốp Trung, lốp nhập khẩu. Và xu hướng lựa chọn ở lại với lốp bias ngày càng cao hơn.

 

Doanh nghiệp cần hiểu rõ hơn giá trị mà lốp radial mang lại

 

Nguyên nhân của sự thiếu đồng bộ phát triển lốp radial còn đến từ chính các doanh nghiệp trong nước. Dù thay đổi sang sử dụng lốp radial là một thay đổi tất yếu đi cùng xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên thói quen sử dụng lốp bias nhiều năm, doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa hiểu rõ giá trị của lốp radial đến năng suất và ngân sách dài hạn, hay đơn giản là chưa tiếp cận được dòng lốp phù hợp nhất với doanh nghiệp khiến “bài toán” radial vẫn chưa thực sự có lời giải.

 

Có thể thấy, lốp xe toàn thép radial có nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn lốp bias trước đó về các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật.

 

Cụ thể, với những doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, có thể nhận thấy giá trị kinh tế về nhiên liệu, khấu hao máy móc, hay thời gian cần thay lốp mới được kéo dài hơn khi sử dụng lốp radial. Lốp radial giảm tiêu hao nhiên liệu từ 12% – 16% so với lốp bias; sinh nhiệt thấp, tản nhiệt nhanh, giảm chấn tốt, gia tốc nhạy cảm, hiệu suất phanh hãm cao cho phép xe chạy ở tốc độ cao nhưng rất ổn định. Các chuyến đi đường dài sẽ an toàn và tiết kiệm hơn.

 

Với các doanh nghiệp vận tải hàng hoá, chạy đường dài cộng với tải trọng lớn khiến vòng đời lốp khá ngắn. Tuy nhiên lốp radial mang theo các tính năng mới như độ cứng vững, độ bền cao gấp hai lần lốp bias, tính năng chịu mài mòn tốt, tuổi thọ cao, chịu lực tốt hơn. Doanh nghiệp có thể tối ưu vòng đời lốp hiệu quả hơn hẳn.

 

Ngoài ra, yếu tố quan trọng nhất là giá thành lốp radial đang dần được cải thiện nhờ các doanh nghiệp nội địa đã dần chủ động được công nghệ, phát triển lốp theo tiêu chuẩn quốc tế với mức giá tốt hơn.

 

 

Tiềm năng từ chính các thương hiệu nội địa

 

Đối với thị trường nội địa, doanh thu các công ty sản xuất lốp xe chịu ảnh hưởng gián tiếp từ việc giảm cầu ô tô do tình hình dịch bệnh phức tạp và sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp lốp xe nhập khẩu, hay lốp Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, vẫn có một số tín hiệu khả quan dành cho ngành săm lốp. Rõ nét nhất là GDP cả nước đã tăng 2.62% trong quý 3 thay vì chỉ 0.39% trong quý 2 theo báo cáo ngành ô tô tháng 10 của Khối Phân tích CTCK Rồng Việt (VDSC Research). Không những thế, theo TechSci Research, khi chất lượng hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam được cải thiện, những ưu thế của lốp radial so với lốp bias sẽ rõ nét hơn, điều này tạo lợi thế tăng trưởng cho các công ty đã có nhà máy sản xuất lốp radial từ trước.

 

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sử dụng nhiều loại vật liệu để sản xuất lốp cao su nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất và tuổi thọ sản phẩm. Bước tiến đầu tiên chính là công nghệ sản xuất lốp radial. Lốp radial giờ đây không chỉ được sử dụng cho các loại xe ôtô con 4 chỗ, 7 chỗ, mà còn dần thay thế các dòng bias cũ cho lốp tải nặng, lốp tải đường dài hay cả lốp đặc chủng.

 

Với dòng lốp radial, một số doanh nghiệp Việt đã “đi trước, đón đầu” nhiều năm như Công ty CP Cao su Đà Nẵng – DRC. Bên cạnh đó, cũng có một số thương hiệu mới nhưng đã có sự đầu tư lớn từ dây chuyền, công nghệ, sản phẩm, thị trường, đơn cử như thương hiệu DSTAR – đang cho thấy những tiềm lực lớn để phát triển. 

(Theo Viettire tổng hợp)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *